Cái xóm nhỏ nằm lưng chừng một ngọn núi thuộc tỉnh Phú Yên ấy sau bao biến thiên của lịch sử đến nay chỉ còn lại… một ngôi nhà. Kỳ lạ thay, dưới nếp nhà đơn sơ đó, suốt 38 năm qua, cũng chỉ có duy nhất một cụ ông tuổi đã 108 còn sinh sống.
Bà con nơi đây, sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng được Nhà Nước tạo điều kiện đã chuyển đến nơi khác an cư lạc nghiệp hết. Nhưng mình cụ, năm này qua tháng khác vẫn bám trụ, cũng bởi cái nghĩa, cái tình và nỗi day dứt về một món nợ trước vong linh gần trăm liệt sĩ đang nằm gửi thân dưới ba tấc đất.
Lão “dị nhân” một mình ở ẩn
Phải vượt qua quãng đường xấp xỉ 30km ghồ ghề đá sỏi từ Quốc lộ 1A, chúng tôi mới tìm về được thôn Thạnh Đức (xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên), nơi “phát tích” của câu chuyện ly kỳ về “dị nhân” 108 tuổi sống một mình cùng hàng chục nấm mồ trên núi.
Thế nhưng, khi đến đầu thôn Thạnh Đức, hành trình tìm kiếm xóm Xe Đá ấy vẫn chẳng dễ dàng hơn, bởi phần lớn người dân địa phương cũng đã lãng quên địa danh xưa cũ này.
Phải mất đến hơn một tiếng đồng hồ gõ cửa hỏi thăm từng nhà, người viết mới may mắn được một cụ bà chỉ bảo: “Các chú hỏi xóm Xe Đá thì người trẻ trong thôn bây giờ không biết được đâu.
Cụ Tính bên một nấm mồ mà mình lo nhang khói. Ảnh: T.G
Các chú tìm đến đó, chắc muốn gặp cụ Bảy Tính chứ gì (?)”. Thấy chúng tôi gật đầu cái rụp, cụ niềm nở tiếp lời: “Ở đây, cụ Bảy nổi tiếng vì… sống thọ và cả nếp sống khác thường. Các chú chạy lại đầu làng, đừng hỏi xóm Xe Đá nữa mà nhờ đám trẻ dẫn tìm nhà cụ Bảy Tính, thế nào cũng được việc”.
Cảm ơn cụ bà, chúng tôi trở lại đường lớn hỏi thăm đến nhà cụ Bảy Tính, thì quả nhiên người dân ai cũng biết cả. Một người bán nước đầu thôn xởi lởi bảo: “Ai chứ ổng thì lạ gì, ổng sống một mình trong một ngôi nhà nhỏ ở trên núi đấy em à”.
Con đường vô nhà cụ rất nhỏ, hai bên đường là những bụi cây được “sắp xếp” cho ngay hàng để làm hàng rào của những rẫy mì, rẫy sắn. Sau vài lần dừng lại để quan sát, cuối cùng chúng tôi cũng thấy được một ngôi nhà nhỏ nằm giữa lưng chừng một hòn núi.
Giữa lúc bốn bề rừng núi đang yên tĩnh thì bỗng tiếng chó sủa vang lên làm chúng tôi giật mình. Nghe ồn ào, chủ nhân ngôi nhà lục tục ra ngoài xem tình hình. Biết có khách, cụ hồ hởi mời vào trong trò chuyện.
Bên ly nước lọc vừa rót vội, cụ tự giới thiệu tên thật là Nguyễn Tính, năm nay đã 108 tuổi. Cái biệt hiệu Bảy Tính mà người ta hay gán cho cụ, cũng là vì xa xưa, cụ là con thứ 7 trong gia đình có 10 anh chị em. Nhưng đến giờ, thì tất cả họ đều đã về với tổ tiên, chỉ còn mình cụ sống quạnh quẽ nơi thâm sơn này.
Chỉ vào căn nhà đang ở, cụ Chinh bảo: “Chỗ này không rộng, nhưng cũng đủ với một người già có nếp sống đơn giản. Nhà được chia làm phòng khách và phòng ngủ, sau này “trổ” thêm nhà bếp bên trái.
Ngôi nhà độc nhất ở xóm... một nhà. Ảnh: T.G
Ở phòng khách có kê một cái giường tre cũ, tôi vẫn dùng để ngủ. Còn phòng ngủ là nơi tôi dành cho người cháu gái của mình thi thoảng đến thăm và ở lại cùng cụ một vài hôm”. “Đứa” cháu gái mà cụ nói tên là Nguyễn Thị Chinh, năm nay cũng vừa tròn… 62 tuổi, nhà cách ngọn núi này hơn 5km.
Vì thương cậu ruột sống cô quạnh, thường ngày, bà Chinh vẫn đi đò qua sông Kỳ Lộ, sau đó lặn lội vượt đường núi mang cơm nước sang đây. Nhiều hôm, thời tiết xấu, bà Chinh vừa kịp mang cơm đến cho cụ Tính thì trời đã sụp tối. Đường rừng núi hiểm trở, bà đành ngủ lại hôm sau mới về.
Nên đọc
Dẫn chúng tôi ra trước nhà, chỉ tay về hai bên và phía trước, cụ bảo: “Cả mảnh vườn lớn này đều do tui khai phá lúc còn trẻ. Nay tôi giao lại cho cái Chinh lo trồng trọt chăm sóc cả đấy”.
Cụ bảo mình sống đến từng này tuổi chính là nhờ tình yêu thương của người cháu. Trước kia, khi em gái cụ còn sống thường hay lo cơm nước cho cụ, những lần như thế đều dắt theo bà Chinh đi cùng.
Một ngày, khi biết mình sắp từ giã cõi trần, mẹ bà Chinh mới mang chuyện chăm sóc cụ Bảy ủy thác lại cho con gái. Thương mẹ, thương cậu, bà Chinh đã nguyện sẽ thay mẹ đi lại chăm sóc cho cậu đến khi nào cậu mất mới thôi.
Trăm năm “bầu bạn” cùng những nấm mồ
Những câu chuyện đang rôm rả vô tình đưa cụ về miền kí ức xa xưa, giọng cụ vì thế mà chùng xuống. Sau cái thở dài như luyến tiếc thời dĩ vãng, cụ bảo: “Ngày tui còn trẻ, xóm núi này đông đúc lắm.
Bến đò (tức bến Xe Đá, nằm dưới chân thác Bằng Lăng nổi tiếng của Phú Yên - PV) lúc nào cũng tấp nập chuyến cập chuyến đi”. Cuộc sống yên vui, bình lặng của người dân xóm Xe Đá cứ thế lặng lẽ trôi. Cho đến một ngày, giặc Pháp tràn về, rồi tiếp theo là giặc Mĩ đến đàn áp buộc người dân nơi đây phải bỏ xóm mà xuống núi.
Biến thiên lớn lao của lịch sử, qua hai cuộc xâm lược ấy, đã khiến xóm Xe Đá nằm heo hút giữa lưng chừng núi càng trở nên hoang vắng. Cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chính quyền mới lại tiếp tục vào trong xóm, vận động bà con chuyển đến nơi ở mới nằm cách khá xa dưới bến sông.
Ở khu vực này, Nhà nước khi đó đã mở đường lớn, đặc biệt thuận tiện cho việc giao thương, dựng nhà lập ấp. Chính vì điều kiện thuận lợi ấy, bà con xóm Xe Đá dắt dìu nhau đi, chỉ còn lại mình cụ Bảy Tính vẫn kiên quyết bám trụ với mảnh đất mình sinh ra và lớn lên.
Cụ tâm sự: “Những năm kháng chiến, người dân xóm Xe Đá có nhiệm vụ bằng mọi cách phải lo cơm nước phục vụ cán bộ chiến sĩ, nhất là những người trinh thám tình hình địch. Hồi đó, nghe ngóng được tình hình, bọn giặc Pháp kéo đến khủng bố rất dữ.
Hễ thấy ai đi đâu mà có mang đồ ăn, bọn nó bắn chết tại chỗ vì nghi tiếp tế cho bộ đội. Mồ mả của họ đến nay phần lớn vẫn còn dù chỉ là những gù đất”, cụ Tính chia sẻ. Cụ bảo hồi đó vì nhu nhược, cụ đã đi lính cho Pháp.
Mặc dù chỉ sau một thời gian ngắn, khi thấy được tội ác của chúng cũng như sự hy sinh oan khuất của người dân Xe Đá, cụ đã đào ngũ. Nhưng cho đến hết cuộc đời, nỗi ám ảnh về sai lầm ấy vẫn đeo bám, khiến cụ Bảy Tính không nguôi tự trách mình.
Bởi tâm sự ấy, cụ đã thề với lòng mình là sẽ ở lại ngọn núi này, dù chỉ còn một mình, để lo khói hương cho những ngôi mộ của các vong linh đã khuất vì cách mạng, cho đến hết đời.
“Tính từ ngày bà con chuyển khỏi xóm Xe Đá đã 38 năm. Còn nếu tính từ thời xa xưa nữa, thì tôi gắn bó với mảnh đất này đã vắt qua hai thế kỷ”, cụ Tính trầm ngâm. Nói là lo nhang khói cho mộ của những người vì cách mạng, nhưng khi người dân trong xóm chuyển đi, rất nhiều ngôi mộ bị thân nhân “bỏ quên”, cụ cũng lo tất. Một thời gian sau, người nhà mới trở lại để bốc mộ mang hài cốt về gần nhà. Do vậy mà từ lúc gần cả trăm ngôi mộ nay chỉ còn hơn chục ngôi. Trong đó, một cái là của cha cụ nằm bên phải, một cái là của mẹ cụ nằm bên trái cách nhà cụ khoảng 30m.
Rồi cụ dẫn chúng tôi đi xem những nấm mộ nằm rải rác xung quanh nhà, tất cả đã bị cỏ bao trùm nhưng được cắm đầy nhang bởi tay cụ. Cụ bảo: “Sống ở đời phải có cái tâm. Tui đã một lần lầm lỡ theo giặc nên chỉ khi ở lại đây và làm cái công việc thầm lặng này, tui mới thấy được thanh thản”.
Có lẽ nhờ đức tin ấy mà cụ vẫn còn minh mẫn, cứng cỏi dù năm nay đã 108 tuổi. Và theo như lời cụ, thì: “Cho đến ngày “thác đi”, còn nếu không, tôi vẫn cứ ở đây, ngày ngày chăm sóc, bầu bạn cùng hơn chục phần mộ này. Thế cũng là đủ cho một đời người rồi…”.
Bí quyết sống trường thọ của “dị nhân” 108 tuổi
Hỏi về chuyện làm sao duy trì sức khỏe, sự rắn rỏi ở tuổi 108, cụ Bảy cười khà bảo: “Tui cũng không biết tại sao mình… sống dai đến thế. Bố mẹ tôi, 9 anh chị em, kẻ trước người sau, đều đã ra đi.
Bản thân tôi hàng ngày cũng chỉ hai bữa với lưng cơm trắng, rau xanh thêm chút thịt cá do cái Chinh nấu sẵn chứ chẳng có chế độ gì đặc biệt. Có lẽ, nhờ hàng ngày tôi đều đặn đi bộ xung quanh núi nên không khí trong lành chốn thâm sơn cách biệt thế giới bên ngoài này đã giúp tôi khỏe chăng (?)”.
Nguồn : giadinh.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét