Dành cho quảng cáo
- Chồng bà Diệu Hiền làm giám đốc thủy sản Phương Nam
- Đại gia Diệu Hiền chỉ mong hai chữ bình yên
- Đại gia Diệu Hiền lại ra nước ngoài chữa bệnh
- Nữ đại gia Diệu Hiền tái xuất bên biệt thự lớn bậc nhất Cần Thơ
Áo sơ mi xanh, quần nâu, dép không quai hậu, khuôn mặt tròn ít cười và giọng đặc chất Nam bộ, người đàn ông này từng cứu một công ty thủy sản thoát khỏi thời kỳ kinh hoàng nhất.
Ông Trần Văn Trí, chồng bà Nguyễn Thị Diệu Hiền, cựu Chủ tịch công ty cổ phần Thủy sản Bình An, nhờ tôi mở hộ Facebook để xem tin tức, hình ảnh của vợ và con trai ông đang ở Mỹ. Thỉnh thoảng, ông quay sang hôn đứa cháu nội kháu khỉnh và hỏi cô con dâu vài chuyện phiếm về scandal nghệ sĩ này, nghệ sĩ kia, rồi móc điện thoại di động gọi cho vợ để cả nhà cùng chia sẻ những câu chuyện gia đình.
Áo sơ mi xanh, quần nâu, dép không quai hậu, khuôn mặt tròn ít cười và giọng nói đặc chất Nam Bộ, không rào trước đón sau, ít ai nghĩ rằng người đàn ông này từng cứu một công ty từng được xem là niềm tự hào của ngành thủy sản thoát khỏi thời kỳ kinh hoàng nhất. Ông cũng được xem là “người hùng” giúp tái sinh hơn chục công ty thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long thoát khỏi viễn cảnh nợ nần và phá sản trong suốt 3 năm qua.
Người hùng bất đắc dĩ này chưa từng được biết trong vai trò doanh nhân. Trước khi xảy ra vụ nợ nần của công ty Thủy sản Bình An do vợ ông, bà Nguyễn Thị Diệu Hiền, điều hành, ông là cán bộ của Sở Giao thông Cần Thơ và hiệu trưởng của một trường dạy nghề. Biến cố gia đình buộc ông phải lao vào giải quyết những thứ hỗn độn, nguy hiểm không thể lường trước, điều mà ông đang viết lại trong tập hồi ký “Mây xanh và địa ngục” của mình.
Vợ chồng đại gia Diệu Hiền
“Chú xem phim hình sự thế nào thì chuyện Bình An cũng y hệt vậy. 5 tháng giải cứu Bình An đối với tôi thực sự là điều khủng khiếp”, ông bộc bạch. Và thế là, trong căn phòng ấm cúng tại một khách sạn ở TP.HCM, ông Trần Văn Trí, ngồi cạnh con dâu (người đẹp, diễn viên Quỳnh Chi) và cháu nội (con của Trần Văn Chương, Quỳnh Chi) bắt đầu chia sẻ với chúng tôi về những ngày giông bão và những kế hoạch mới chưa từng được hé lộ.
Dữ kiện về quá trình tái cơ cấu nợ Bianfishco vẫn cần phải kiểm chứng thêm, nhưng những điều ông Trí tiết lộ về cuộc giải cứu ngoạn mục này chắc chắn là câu chuyện lý thú hiếm thấy trong kinh doanh ở Việt Nam.
Những ngày giông bão
- Đến lúc này, cảm xúc của ông như thế nào?
- Tôi vẫn khẳng định những điều xảy ra cho Bình An chỉ là tai nạn, là nỗi đau đớn tột cùng của gia đình chúng tôi. Tôi cũng khẳng định lại lần nữa, vợ tôi bị ung thư từ năm 2008, đã trải qua phẫu thuật ngặt nghèo tại Singapore, nhưng vẫn rất cố gắng để tiếp tục điều hành công ty. Năm 2012 là năm tồi tệ, khi ai đó muốn nhân cơ hội vợ tôi chữa bệnh ở nước ngoài để giành lấy cơ ngơi này.
- Nhưng rõ ràng Bình An đã thiếu nợ nông dân rất nhiều và dường như không có khả năng chi trả, thưa ông?
- Nợ khi ấy là 265 tỷ đồng trong khi doanh thu hơn 100 triệu USD (hơn 2.100 tỷ đồng), tôi dám nói là hoàn toàn chi trả được nếu vợ tôi không đi chữa bệnh. Ai đó (một nhóm lợi ích nào đó, hay đối thủ cạnh tranh nào đó) muốn nhân cơ hội này để giành lấy quyền kiểm soát Bình An. Mọi thứ đã được họ chuẩn bị sẵn. Vợ tôi thì hôn mê ở nước ngoài, còn ở Việt Nam, tiền bán cá thu về bị phong tỏa ở ngân hàng, tôi không thể rút tiền thì làm sao giải quyết được chuyện gì. Nếu vợ tôi không bệnh thì có lẽ đã không đến nỗi.
- Vậy sao ông không cầu cứu các thành viên Hội đồng Quản trị hoặc những cổ đông khác?
- Tôi tự phong cho mình là Chủ tịch Hội đồng Quản trị luôn, bởi khi đó có còn ai trong Hội đồng Quản trị đâu. Họ chạy “mất dép” rồi. Rút kinh nghiệm của Bình An, tôi khuyên, không nên có quá nhiều thành viên Hội đồng Quản trị mà không sở hữu cổ phần. Cái dở của Bình An lúc trước là nhiều thành viên trong Hội đồng Quản trị có tên, có năng lực nhưng lại chẳng có tiền. Nhìn tới nhìn lui, xung quanh mình chẳng còn ai, tiền cũng không, tôi tự cho mình quyền hành Tổng giám đốc để từng bước cứu cơ ngơi và danh dự của vợ cùng gia đình.
Ông Trí được xem là “người hùng” giúp tái sinh hơn chục công ty thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long
- Khi đó báo chí đã liên tục đưa tin về việc nông dân kéo đến gây áp lực với ông?
- Tôi là người rất nóng tính, nhưng đã cố kềm mình lại. Tôi không muốn một lần nữa mắc vào cái bẫy mà ai đó muốn bẫy tôi, vợ tôi và gia đình tôi. Những người đòi nợ Bình An lúc ấy, nông dân thì ít mà dân thất nghiệp, hoặc giang hồ được ai đó thuê mướn thì nhiều. Tay họ cầm loa, miệng họ kêu gào, máy ảnh, máy quay phim khắp nơi, xem chừng rất chuyên nghiệp. Tôi chẳng ngỡ ngàng vì trong đầu tôi đã nhận diện được đó chính là một kịch bản hoàn hảo được chuẩn bị sẵn. Có lẽ họ muốn dồn tôi vào chỗ buộc phải kháng cự, rồi mang hình ảnh không hay của tôi đi tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi để họ “xử lý” tôi.
- Vậy ông làm sao?
- Tôi bẫy lại họ chứ sao. Tôi tổ chức nhiều cuộc họp, nói thẳng với bà con nông dân rằng Bình An thiếu nợ bà con, vợ tôi thì lâm trọng bệnh, vì thế, nhà máy, tài sản của Bình An thuộc quyền sở hữu của bà con. Nếu cá nhân nào, tổ chức nào đụng vào nhà máy này thì xem như vi phạm pháp luật. Và tôi sẵn sàng báo với chính quyền can thiệp khi điều này xảy ra. Do đó, dù sự cố lùm xùm như vậy nhưng một cọng cỏ trong Bình An cũng không mất. Trong lúc đó, tôi tiếp tục tìm đến những người có thể giúp đỡ mình giải quyết chuyện nợ và tái cơ cấu.
- Còn công nhân khi đó ủng hộ hay chống đối ông?
- Công nhân cũng nhiều loại người khác nhau. Khi xảy ra sự cố, quả thực là có một số công nhân của Bình An bị thuê mướn (theo tôi biết là họ được ai đó trả 20 triệu đồng/người) “quậy”chúng tôi tưng bừng. Họ vin vào chuyện lương lậu (lúc đó Bình An cũng khó khăn trong việc giải quyết lương đúng hạn) và ăn theo các chủ nợ. Tình cảnh lúc đó đúng là “thù trong giặc ngoài”.
- Ông đã làm gì để cứu Bình An?
- Khi ngân hàng SHB vào, chúng tôi đã rất nỗ lực để tái cấu trúc mọi thứ. Họ cho tôi vay, tôi thương thảo với họ đủ thứ trên đời. Tôi còn nhớ như in sự cố Bình An trong năm 2012, bắt đầu bùng nổ ngày 7/3 (lúc họp báo) và kết thúc vào ngày 25/8 (lúc SHB cấp giấy phép cho tôi tiến hành trả nợ cho nông dân). Đến tháng 12 năm đó thì chúng tôi đã trả hết nợ.
Tôi nghĩ việc SHB vào Bình An là tín hiệu rất tốt, làm tiền đề để chúng tôi giải quyết chuyện nợ nần. Doanh thu khi đó của Bình An khoảng hơn 100 triệu USD, nên tôi mới nói số nợ chúng tôi mắc không phải là không có khả năng giải quyết. Ngoài ra, tôi dám nói rằng, con cá của Bình An có thương hiệu rất tốt ở nước ngoài. Bà Thị trưởng ở California (Mỹ) ngạc nhiên khi con cá của một người châu Á đủ sức thâm nhập thị trường lớn và khó tính này của thế giới (nhân sự kiện Bianfishco mở văn phòng tại Mỹ). Cho nên, quyết tâm của tôi khi ấy, là phải cố gắng bằng mọi giá, tìm đến những sự giúp đỡ tốt nhất có thể, giải cứu Bình An.
- Có chủ nợ nào đe dọa tính mạng của ông và các con không?
- Mỗi ngày tôi nhận hơn 700 tin nhắn và cuộc gọi, ngày qua ngày, tháng qua tháng. Rất khủng khiếp. Tôi cũng còn nhớ có một sự việc đặc biệt. Chủ một doanh nghiệp thủy sản ở Hậu Giang đến ép tôi phải tuyên bố phá sản (Bình An nợ tiền cá của vợ ông ta), có sự tham gia của xã hội đen. Tôi không rõ ông ta có mục đích gì khác ngoài chuyện ép chúng tôi phá sản. Một sự toan tính để thâu tóm công ty chăng? Hay là cứ giết nhanh một đối thủ trong lúc nó gặp khó rồi mình sẽ thành bá chủ? Tôi nói, tôi không phải là Chủ tịch Hội đồng Quản trị thực sự, nên không thể ra quyết định phá sản được.
- Vì sao khi có dấu hiệu làm ăn khó khăn, Bình An vẫn làm thương hiệu theo cách mà nhiều người chỉ trích, đó là tổ chức đám cưới ngông cho con trai?
- Tôi có một đứa con trai thôi. Ở đất Sài Gòn này, việc vợ chồng tôi cố gắng làm đám cưới cho con trai mình ở White Palace là xa xỉ lắm sao? Tôi nói thật, đám cưới chỉ khoảng vài trăm triệu đồng, mà nhà gái, nhà trai chia sẻ nhau. Báo chí chỉ trích, đề cập đến dàn xe khủng khi rước dâu, giá như vợ chồng tôi có thì cũng mừng. Toàn là xe của anh em bằng hữu hỗ trợ trong ngày vui của gia đình chúng tôi.
Tôi rất bức xúc khi có một thông tin đá xoáy chúng tôi theo kiểu “ở Nghệ An có một đám cưới rước dâu bằng xe trâu mà vẫn hạnh phúc”, còn con trai đại gia Diệu Hiền rước dâu bằng xe khủng. Thiết nghĩ, con trâu nuôi là để cày, lấy thịt, chẳng nhẽ lúc rước dâu, chúng tôi lại cho xe trâu chạy ngoài đường lộ từ Sài Gòn về Cần Thơ hay sao? Cái này là vi phạm giao thông chứ còn gì nữa (tôi biết rất rõ nha, Thủ tướng ban hành Nghị định 36 về nghiêm cấm súc vật di chuyển trên đường). Mà rước dâu bằng xe trâu xa xôi vậy, chắc con dâu tôi nó “đẻ” giữa đường quá. Thôi thì “nhà sập bìm bìm leo, dây chó đẻ nó cũng bò”.
- Vợ ông, bà Diệu Hiền, đã bắt đầu và kết thúc với con cá tra. Ông có nghĩ mình căm ghét và sẽ từ bỏ nghề này?
- Nếu quay lại lịch sử, tôi hỏi bạn có ai thích con cá tra không? Nghe thôi đã ghê, bởi con cá này hồi xưa nuôi bằng “phế phẩm” của người. Nhưng chúng tôi yêu con cá này lắm. Tôi biết vợ tôi đã rất nỗ lực để tuyên truyền công nghệ nuôi cá hiện đại đến bạn bè thế giới, để họ tin vào con cá tra của Việt Nam.
Chúng ta xuất khẩu đến 90% cá tra ra thế giới, không ở đâu có môi trường thuận lợi để nuôi cá như Việt Nam. Nhiều lúc Mỹ còn muốn đưa con cá tra vào sách đỏ nữa kìa. 1 hecta mặt nước nuôi cá thu được ít nhất cũng 500.000 USD/vụ, một năm 2 vụ là thu về được 1 triệu USD. Tôi hỏi bạn, có làm gì bằng nuôi cá không? Nông dân nuôi cá trúng mùa có nhà lầu, xe hơi là chuyện dễ như bỡn. Dĩ nhiên, lĩnh vực đầu tư này cũng cần vốn không nhỏ. Vậy thì con cá có làm nên tội gì đâu?
Thời thế tạo anh hùng
- Sau khi tái cấu trúc, ông có thể chia sẻ tình trạng của Bình An?
- Tôi không còn trực tiếp điều hành Bình An nữa, nhưng tôi biết công ty vẫn tập trung nuôi, chế biến cá, sản xuất thức uống Collagen rất tốt sau khi được tái cấu trúc. Tôi mừng vì những gì vợ tôi đã xây dựng tiếp tục được phát triển. Tôi đặt cho mình sứ mệnh tiếp tục đến với những công ty yếu kém khác để tái cấu trúc. Thay vì đi chùa thì tôi làm mấy việc này, chẳng lãnh đồng xu cắc bạc nào cả (dù ở vài doanh nghiệp tôi có giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị với quyền lực thật sự). Không vì tiền, chỉ là tôi vui và cảm thấy đó là điều nên làm.
- Vậy ông xem việc tái cấu trúc các doanh nghiệp là nghề mới của mình trong tương lai?
- Sức người có hạn, sau mỗi lần tái cấu trúc, tôi giao lại cho những người điều hành thực sự của nó. Riêng ở Bình An, cơ nghiệp bao năm của vợ tôi, tôi đã từ nhiệm tất cả đến giờ phút này (vì yêu cầu tất yếu của M&A). Tôi chỉ còn là một cổ đông nhỏ. Có đối tác Mỹ hỏi tôi học ngành gì mà dám đi tái cấu trúc một loạt mấy công ty. Tất cả là kinh nghiệm xương máu thôi. Bản thân tôi cũng rất hào hứng khi giúp các công ty cùng ngành tái cấu trúc để có thể tồn tại như Thủy sản Phương Nam, công ty Thực phẩm Sông Hậu, Thủy sản Minh Trí (Vĩnh Long), Ngư Long (Đồng Tháp). Nhưng tôi sẽ ngưng công việc này trong tương lai không xa để quay về điều hành Thủy sản Phương Nam.
Nên đọc
- Trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp và tái cơ cấu nợ, ông nghĩ mình được thuận lợi và khó khăn gì?
- Khi tôi làm đề án tái cấu trúc mấy doanh nghiệp trong ngành, có ngân hàng nói tôi là tư nhân mà làm tái cấu trúc gì, chuyện đó là của Nhà nước. Nhưng tôi quan niệm việc cấp bách thì không của riêng ai, huống chi Nhà nước cũng đang hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều. Tôi lấy ví dụ, hồi xưa, nợ ngắn hạn quá ngắn (1 năm), con cá chưa kịp lớn thì nợ đã đến hạn. Bây giờ, Chính phủ cho kéo giãn nợ từ 1 năm thành 3 năm, còn nợ dài hạn thì từ 12 năm thành 15 năm, lãi suất cũng giảm, chỉ còn 7%, so với thời gian Bình An gặp nạn là hơn 20%. Tôi nghĩ Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã có quyết sách rất thiết thực về những điều này. Nhân cơ hội này mình cứ làm tới. Và còn nhiều sự giúp đỡ xung quanh nhưng tôi xin không nêu đích danh.
- Nếu về công ty Thủy sản Phương Nam, ông sẽ làm gì?
- Phương Nam là công ty thủy sản tư nhân đứng thứ hai về kim ngạch xuất khẩu tôm trong cả nước, không thua gì các doanh nghiệp Nhà nước. Lúc tôi tái cấu trúc công ty này, người ta bàn ra tán vào, nói tôi là “lo cho ốc chưa xong, đi lo cho sò”. Tôi vẫn cứ làm, vì thấy tình trạng Phương Nam khi đó bi đát quá.
Các ngân hàng tìm thứ gì siết nợ được ở Phương Nam thì siết. Nhưng bây giờ, sau 8 tháng tái cấu trúc, chúng tôi bắt đầu tập trung vào kinh doanh và chứng minh cho mọi người thấy khả năng tái phát triển của công ty này. Tôi đang là cổ đông lớn, giữ 35% cổ phần công ty này và vào vị trí Phó chủ tịch. Trước mắt, hơn 80 khách hàng đã quay lại với Phương Nam, nhu cầu khá lớn đến nỗi chúng tôi chẳng cần tiếp thị ở hội chợ để tìm khách.
- Sau vụ việc Bình An, mà như ông nói là bị ai đó giật dây, ông nghĩ thế nào về sự cạnh tranh trong ngành này?
- Ba tôi ở dưới nhà mần khô cá tra để bán. Một kí khô cá tra là 200.000 - 300.000 đồng trong khi doanh nghiệp làm cá chuyên nghiệp đầu tư rất nhiều, cực nhọc rất nhiều, lúc xuất hàng qua Mỹ chỉ thu về 2,6 USD/kg (tương đương 50.000 đồng). Đó là do cạnh tranh không lành mạnh về giá. Rồi từ đó, Mỹ đặt nghi vấn mình được Nhà nước bảo hộ phá giá. Chuyện này có đâu. Lỗi ở doanh nghiệp hết. Cạnh tranh không lành mạnh, làm suy yếu lẫn nhau. Vậy thì về làm khô bán cho dân mình còn sướng hơn xuất khẩu.
Tôi thấy lạ, doanh nghiệp mình vẫn còn tư duy đánh nhau trong cái ao nhà. Quan điểm của tôi là nếu giỏi thì đi đá gà ngoài. Đó là chưa kể đến chuyện thương lái Trung Quốc chỉ cần qua đây tăng giá tôm lên một chút, vài ngàn đồng thôi, là có thể gom hết của nông dân. Mình lo đánh nhau, không lo chuyện này là chết chứ chẳng chơi.
- Vậy ông sẽ làm gì để hiện thực hóa điều ông vừa nói?
- Tôi sẽ dành sức lực cho công ty Phương Nam. Và từ công ty này tôi sẽ tạo ra một nhóm, nơi mà các doanh nghiệp Việt cùng ngành sẽ không cạnh tranh bán phá giá, không gian lận thương mại, hỗ trợ nhau hướng đến phát triển bền vững, hỗ trợ người nông dân và triển khai bao tiêu sản phẩm.
- Bây giờ, một mình ông cáng đáng mọi thứ?
- Đâu có, sắp nhỏ cũng phụ tôi rất nhiều. Con trai tôi đang ở Mỹ để tìm kiếm, giao dịch với các bạn hàng. Còn con dâu đang làm trợ lý cho tôi. Nhưng tôi không muốn gia đình mình lên mây xanh hay xuống địa ngục nữa. Chúng tôi chỉ xin được Bình An.
(Theo GaFin/Nhịp Cầu Đầu Tư)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét