Cảnh sát mặc áo bơi người nhái và các loại đồ nghề dành cho nghiệp vụ lặn. Lặn cứu người, tìm thi thể, mò xác, mò tang vật các vụ trọng án và tài sản nhân dân.
Trực ban chiến đấu 24/24 giờ, những giây phút bình yên trôi qua không phải là hiếm, nhưng cảnh sát cứu hộ, cứu nạn dưới nước thì luôn luôn trong tư thế sẵn sàng xuất phát khi nghe tiếng chuông báo động reo lên từng hồi.
Hạnh phúc mà các anh tìm thấy thường hiếm hoi sau những vất vả, nguy hiểm và anh dũng cứu người bị nạn, tìm kiếm thi thể nạn nhân và mò tìm thấy tang vật các vụ án. Những giây phút kỳ diệu ấy đã xua tan hết mọi cơn mệt nhọc và đói lả người.
Lặn vớt thi thể nạn nhân.
Tại đại bản doanh của lực lượng cảnh sát cứu hộ, cứu nạn, Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy TP.HCM bên KCN Cát Lái 2 vào tầm giữa trưa, không gian vô cùng vắng lặng. Cạnh bên là rừng Sác với sông Sài Gòn êm đềm trong xanh, trong phòng mấy anh em trực đêm tranh thủ ngủ bù, người thức thì đọc sách, xem tin trên mạng… Đội trưởng Huỳnh Văn Tuấn với nụ cười hiền cố hữu trên miệng khoác vội chiếc áo lên người cho biết: “Gần một tuần bình yên, không có chuông reo...”. Quan sát dọc theo lối đi, vài chiếc kệ để đầy các loại giày, ủng, mũ… nằm ngay ngắn, chờ đợi những bàn chân chiến sĩ. Đây là trụ sở tạm của Đội nhờ PCCC quận 2.
Do mới tách ra thành hai đội CS CHCN dưới nước và CS CHCN trên bờ chưa lâu, nên anh em cán bộ chiến sĩ vẫn xem như người một nhà xưa nay, mặc dù “Thủy Tinh” là Trung tá Nguyễn Văn Công làm Đội trưởng, còn “Sơn Tinh” là Thượng úy Huỳnh Văn Tuấn phụ trách.
Với anh em CS CHCN, sư phụ của nghề vẫn là chú Nguyễn Ngọc Tốt và chú cũng là “công nhân cứu hộ” duy nhất trong lực lượng có thâm niên 38 năm. Từng là một người được đào tạo bài bản trước năm 1975 về cứu hộ, cứu nạn, chú Tốt yêu nghề và gắn bó với nghề như một nghiệp dĩ. Không chỉ truyền đạt những kinh nghiệm, huấn luyện bơi tích lũy của mình cho cán bộ, chiến sĩ trẻ mà thời gian trước đây chú còn đồng cam cộng khổ với anh em mọi lúc, mọi nơi. Cuộc sống thanh bần, nghèo khó cũng không làm chú thay đổi tình yêu đặc biệt với nghề cứu hộ, cứu nạn.
Nên đọc
Hẳn nhiều người dân TP.HCM còn nhớ về vụ ám sát vợ chồng nghệ sĩ cải lương Thanh Nga năm 1979 làm chấn động dư luận một thời. Theo lời khai của tên thủ phạm Nguyễn Thanh Tân, khẩu súng P38 bắn Thanh Nga được y ném xuống sông Sài Gòn khi chở tên đồng bọn Nguyễn Văn Hóa chạy qua cầu Bình Lợi.
Phải tìm được khẩu súng mới đủ cơ sở pháp lý buộc tội giết người của tên Tân và đồng bọn. Trong số 10 chiến sĩ Phòng CS PCCC điều động đến mò tìm tang vật ngày đó, có chú Nguyễn Ngọc Tốt. Nước sông chảy xiết, dưới độ sâu có nơi gần 30m lạnh buốt xương, tím thịt da không làm nản chí các chiến sĩ CHCN suốt 3 ngày đêm lặn mò tang vật. Nhưng vào lúc 13h ngày thứ ba định mệnh (13/5/1979), ca lặn sau cùng của hai đồng đội chú Tốt là anh Võ Quang Hà và Nguyễn Văn Bảy đã vướng phải mìn địch gài lại chống đặc công đánh phá cầu trước ngày Sài Gòn giải phóng, vụ nổ làm cả hai hy sinh…
Nỗi đau và sự mất mát đó, càng nuôi dưỡng quyết tâm của một người thợ lặn chuyên nghiệp như chú Tốt gắn bó với nghề đến nay đã 60 tuổi. Thượng úy Huỳnh Văn Tuấn, 33 tuổi, trong một gia đình có cha mẹ là cán bộ Công an. Lớn lên Tuấn thi vào trường trung cấp GTVT học được 1 năm thì bỏ học đi nghĩa vụ công an. Cả nhà Tuấn không ai biết anh theo nghề CHCN thuộc Sở CS PCCC, vì nhờ một người quen ở công an quận 1 báo tin cho ba Tuấn hay (lúc đó ông đang làm CB Tổng cục Hậu cần - Bộ Công an) thi rớt ĐH CSND nên cứ tưởng Tuấn đang học hệ cao đẳng.
Trở thành gương mặt trẻ công an xuất sắc tiêu biểu năm 2013, Tuấn có thành tích đáng nể: anh đã cùng đồng đội chỉ huy, tham gia trên 300 vụ cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn thành phố và hỗ trợ các tỉnh, thành lân cận. Đã tìm kiếm giải cứu trên 30 người bị kẹt trong các công trình sụp đổ và mò tìm hơn 100 thi thể nạn nhân bị hại bỏ xác dưới sông nước, phối hợp cùng các lực lượng nghiệp vụ Cảnh sát hình sự, lặn tìm hàng trăm hiện vật, tang vật phục vụ cho công tác điều tra, phá án.
Anh Nguyễn Chí Thanh, 26 tuổi, quê ở Hóc Môn nổi tiếng gan lỳ và mưu trí sáng tạo trong công tác. Thanh không chỉ tham gia nhiều vụ CHCN được Tổng cục 7 tặng 2 giấy khen mà còn nổi tiếng là một cây “sáng tạo” của đơn vị. Thành tích của Thanh nổi bật trong vụ lặn cứu người tìm thi thể nạn nhân vụ chìm tàu Dìn Ký (Bình Dương) và vụ nổ sập nhà của Phương khói lửa. Nguyễn Chí Thanh là người đã phát hiện và cứu bà Phan Thị Rép (Hạnh) trong đống đổ nát khi tiếp cận hiện trường vụ nổ làm 11 người chết và 3 người bị thương.
Trong quá trình tập luyện bình khí tài phòng độc mặt nạ cách li của Nhật sản xuất, anh em phát hiện khi vận động mạnh đai bình, thì ron khí nén xì hơi không tắt được. Báo cáo với chỉ huy Đội, Phòng và tham khảo ý kiến các chuyên gia kỹ thuật, Chí Thanh tự mày mò dũa phần “ti” nhọn cắt ron, đây là nguyên nhân làm ron lỏng, xì hơi.
Sáng chế khắc phục xì hơi bình khí tài của Thanh, hiện đang áp dụng cho 12 bình khí tài của đơn vị và sử dụng rất hiệu quả. Thanh cho biết, trước đây từng học trường trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương nên biết chút chút… Tháng 10 năm nay hết hạn nghĩa vụ, nhưng Nguyễn Chí Thanh có nguyện vọng xin phục vụ lâu dài trong nghề Cảnh sát cứu hộ, cứu nạn.
Nguồn : Báo công an nhân dân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét