(Tinmoi.vn) Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường bị cơ quan công an khởi tố để điều tra về các hành vi: Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác và “Xâm phạm thi thể”.
Ngày 31-10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Mạnh Tường (40 tuổi, ở Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội) để điều tra về các hành vi: “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác (theo Điều 242 của Bộ luật Hình sự) và tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” (theo Điều 246 Bộ luật Hình sự).
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường (áo sơ mi trắng) chỉ nơi ném xác nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền từ trên cầu Thanh Trì xuống sông Hồng
Đồng phạm của Nguyễn Mạnh Tường, Đào Quang Khánh (17 tuổi, ở Hà Nội), là bảo vệ của thẩm mỹ viện Cát Tường, bị khởi tố về hành vi “Xâm phạm thi thể”.
Trước đó, như đã thông tin mặc dù không có giấy phép hành nghề thẩm mỹ, nhưng bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường vẫn phẫu thuật nâng ngực cho chị Lê Thị Thanh Huyền (SN 1974, ở phố Hàng Thiếc, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Khi phát hiện nạn nhân ngừng thở, ông Tường cùng nhân viên đưa nạn nhân lên ô tô, mang ra giữa cầu Thanh Trì ném xuống sông Hồng.
Cụ thể, sau khi đặt cọc trước 50 triệu đồng, sáng 19/10 chị Huyền quay lại Thẩm mỹ viện Cát Tường để phẫu thuật thẩm mỹ theo lịch hẹn. Tại đây, ông Tường đã trực tiếp dùng ống bơm kim tiêm loại 50cc để hút khoảng 11 ống mỡ từ phần bụng của chị Huyền.
Suốt 13 ngày tìm kiếm, gia đình vẫn chưa tìm thấy thi thể chị Huyền
Sau đó, ông Tường dùng chính các ống bơm trên, bơm lượng mỡ vừa được hút từ bụng lên ngực chị Huyền. Sau khi ca phẫu thuật kết thúc, chị Huyền có biểu hiện khó thở, sùi bọt mép nên Tường đã tiêm thuốc Diefegam 10mg cho chị Huyền.
Trước tình trạng ngày một nguy hiểm của bệnh nhân, ông Tường không đưa chị Huyền vào bệnh viện cấp cứu mà tiếp tục chỉ đạo nhân viên thực hiện cấp cứu tại chỗ... Đến tối cùng ngày chị Huyền tử vong. Do sợ trách nhiệm, ông Tường đã cho các nhân viên nghỉ về nhà, thu dọn dụng cụ, sổ sách đem cất giấu, rồi cùng Đào Quang Khánh mang xác chị Huyền ra cầu Thanh Trì phi tang.
Sau khi phi tang xác nạn nhân, hôm sau (ngày 20-10), Nguyễn Mạnh Tường lại đến Bệnh viện Bạch Mai (đối diện với thẩm mỹ viện Cát Tường qua đường Giải - PV) làm việc như không có chuyện gì xảy ra.
Tới ngày 22.10, bác sĩ Tường bị bắt khi đang làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai. 17h15 phút, ngày 22.10, sau khi thực hiện lệnh khám xét tại cơ sở Cát Tường, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội đã di lý bác sĩ Tường tới cầu Thanh Trì để thực nghiệm hiện trường. Tối cùng ngày, bác sĩ Tường được đưa vào Trại tạm giam của Công an TP.Hà Nội.
Trong những ngày qua, các lực lượng chức năng và gia đình nạn nhân đã rất nỗ lực, tìm mọi cách để tìm vớt thi thể chị Huyền, song đến nay vẫn chưa đạt kết quả.
Chiều 29-10, trao đổi với báo chí bên lề phiên họp tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an TP Hà Nội, cho biết hiện lực lượng công an vẫn đang tích cực tìm kiếm thi thể của nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung cũng nhấn mạnh: “Vấn đề bây giờ là phải tìm được thi thể nạn nhân mới định được đúng tội danh của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường”. Ngoài ra, Thiếu tướng cũng khẳng định sẽ quyết tâm tìm thấy xác nạn nhân.
Trả lời nghi vấn của dư luận khi xác nạn nhân chưa nổi, Thiếu tướng cho biết : "Theo kỹ thuật hình sự thế giới, một người chết đuối dưới nước thông thường thì 5- 7 ngày xác chết sẽ nổi lên, tùy vào điều kiện thời tiết. Nhưng những trường hợp chết rồi bị vứt xuống, thì bên kỹ thuật hình sự thế giới tổng kết thì cũng phải từ 18- 25 ngày xác mới nổi."
|
Cuộc điện thoại cuối của người bị thẩm mỹ viện ném xác
Tâm sự của gia đình nạn nhân bị bác sĩ ném xác
Nạn nhân vụ ném xác phi tang có thể bị vùi sâu dưới cát
Vụ bác sĩ ném xác: Xin đừng giết chị Huyền thêm lần nữa
Nên đọc
PV (Tinmoi/ Doisongphapluat)