- Vụ thẩm mỹ viện Cát Tường: BS Tường dùng thủ thuật ném xác nạn nhân ?
- Vụ thẩm mỹ viện Cát Tường: Thấy thi thể nạn nhân mới định được tội bác sĩ
- Vụ thẩm mỹ viện Cát Tường: “Thi thể nạn nhân Huyền trôi ra biển”
Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng, việc có tìm thấy thi thể chị Huyền hay không cũng không ảnh hưởng đến việc điều tra, truy tố với bác sĩ Tường về tội Giết người.
Sau chục ngày, Nguyễn Mạnh Tường (40 tuổi, ở xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội), chủ thẩm mỹ viện Cát Tường và Đào Quang Khánh (17 tuổi ở quận Hoàn Kiếm) bị bắt khẩn cấp để điều tra hành vi Giết người, đến nay, cơ quan điều tra chưa có quyết định khởi tố bị can. Nhiều người vẫn đặt ra câu hỏi liệu bác sĩ Tường bị xử lý ra sao?
Trả lời báo giới bên hành lang Quốc hội ngày 29/10, thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Giám đốc công an Hà Nội cho biết cảnh sát vẫn đang tích cực tìm kiếm thi thể chị Nguyễn Thị Thanh Huyền. Cơ quan công an quyết tâm phải tìm thấy bằng mọi giá, lúc đó mới xác định được tội danh của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường.
Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư Hà Nội), việc có tìm thấy thi thể chị Huyền hay không cũng không ảnh hưởng gì đến việc điều tra, truy tố, xét xử với bác sĩ Tường về tội Giết người.
Tường (áo trắng) được nhà chức trách dẫn giải xuống cầu Thanh Trì để thực nghiệm hiện trường.
Vị luật sư có nhiều năm kinh nghiệm nói, việc chứng minh hành vi phạm tội của người đứng đầu thẩm mỹ viện Cát Tường căn cứ vào lời khai nhận tội của chính bác sĩ Tường, lời khai của những người trong kíp mổ cho nạn nhân Huyền cùng lời khai của nam nhân viên bảo vệ tên Khánh. Theo đó, Khánh được Tường huy động cùng đem xác nạn nhân ném xuống sông Hồng để phi tang. Nam nhân viên bảo vệ này cũng là người trực tiếp đem xe máy của chị Huyền sang Thạch Bàn (quận Long Biên) vứt bỏ. Hơn nữa, lời khai của số nhân viên làm việc tại Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường đều thừa nhận sau khi có vụ việc bất thường xảy ra ở Trung tâm thẩm mỹ thì bác sĩ Tường yêu cầu họ tẩu tán các trang thiết bị, giấy tờ sổ sách liên quan đến vụ việc.
Khi cơ quan điều tra vào cuộc cũng đã thu giữ được chứng từ chị Huyền nộp 50 triệu cho Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường để hút mỡ bụng và nâng ngực. Ngoài ra, một số trang thiết bị trong ca phẫu thuật, chiếc xe máy của nạn nhân cũng đã thu được
Từ những chứng cứ, tài liệu như nêu trên, luật sư Thơm cho rằng có đủ có sở chứng minh ngày 19/10, bác sĩ Tường đã thực hiện ca phẫu thuật hút mỡ bụng, nâng ngực cho chị Huyền dẫn đến tử vong tại Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường.
Trưởng văn phòng luật sư Nguyên Anh viện dẫn, nếu xét lỗi và động cơ mục đích của bác sĩ Tường để định tội danh cho phù hợp thì thấy về điều kiện hành nghề, về trang thiết bị kỹ thuật không đảm bảo để thực hiện hút mỡ bụng, nâng ngực, không đủ điều kiện về hồi sức cấp cứu khi xảy ra sự cố. Về trình độ chuyên môn bác sĩ Tường và kíp mổ không ai có chuyên môn phẫu thuật thẩm mỹ hút mỡ bụng, nâng ngực, không ai có chuyên môn gây mê.
"Bác sĩ Tường không mong muốn hậu quả chị Huyền bị chết. Song biết rõ hành vi của mình là nguy hiểm đến tính mạng người khác nhưng bác sĩ này vẫn cố tình làm", luật sư nhìn nhận và viện dẫn thực tế cho thấy chị Huyền đã tử vong. Ngoài ra còn nhiều nạn nhân khác bị biến chứng sau ca phẫu thuật do bác sĩ Tường thực hiện.
Với những lập luận của mình, luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng hành vi của bác sĩ Tường có dấu hiệu phạm tội Giết người với lỗi cố ý gián tiếp theo điều 93 Bộ luật hình sự.
Nói về quãng thời gian dài nhưng chưa tìm thấy xác nạn nhân, luật sư Thơm cũng đặt ra câu hỏi nghi ngờ liệu bác sĩ Tường vứt thi thể chị Huyền ở một địa điểm nào khác nhằm che giấu tội phạm của mình.
Điều 9. Cố ý phạm tội: Cố ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây: 1. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra; 2. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Điều 93. Tội giết người: 1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Giết nhiều người; b) Giết phụ nữ mà biết là có thai; c) Giết trẻ em; d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng; g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ; k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; m) Thuê giết người hoặc giết người thuê; n) Có tính chất côn đồ; o) Có tổ chức; p) Tái phạm nguy hiểm; q) Vì động cơ đê hèn. 2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm. |
Nên đọc
Theo Tri Thức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét