Chỉ cần gõ cụm từ “việc làm thêm cho sinh viên” trên thanh công cụ tìm kiếm, hàng loạt các kết quả khác nhau cũng như những lời mời chào hấp dẫn dành cho các bạn sinh viên muốn tìm kiếm việc làm hiện ra. Tuy nhiên, để tìm được một công việc tốt và bảo đảm việc học là không hề dễ dàng.
Vũ Văn Thắng, sinh viên năm 2 trường Cao đẳng cộng đồng Hà Nội cho biết, để tìm kiếm được việc làm, Thắng nghe theo lời một số bạn bè ra đăng ký ở các Trung tâm giới thiệu việc làm ở đường Trần Đăng Ninh, phí ban đầu đóng là 55.000 đồng với lời mời chào hấp dẫn là lương 120.000 đồng cho một ca 2 tiếng làm việc và lại được lựa chọn các ca khác nhau cho phù hợp với việc học.
Nhưng sau khi đóng phí và chờ một thời gian, Thắng vẫn không được sắp xếp để làm công việc “hấp dẫn” đó, thay vào đó, đơn vị môi giới đưa ra “yêu cầu” phải cọc trước 3 triệu đồng để “đề phòng cậu bỏ việc giữa chừng và xảy ra tình trạng mất cắp”. Vì tiếc tiền nên Thắng đã không đóng và coi như mất tiền đặt cọc.
Nên đọc
Không may mắn được như Thắng, Như Quỳnh (sinh viên năm nhất trường ĐH Sư phạm Hà Nội) nhận lời đi bán hàng đa cấp cho một công ty tại Hà Nội. Cô đã xin tiền bố mẹ và vay bạn bè để mua những sản phẩm của chính công ty đó để mời chào người khác mua.
Tiền bán sản phẩm đâu không thấy, nhưng hiện tại ở trong nhà trọ và cả ở quê của bố mẹ cô thì chất đầy những sản phẩm như: Nước rửa chén, bột giặt, nước rửa bình sữa, sữa tắm, dầu gội…. của hãng. Còn cô thì méo mặt với món nợ từ bạn bè và các sản phẩm dành cho trẻ con thì… chưa biết bao giờ cô mới dùng được.
Trong dịp Ngày nhà giáo Việt Nam (20.11) năm ngoái, Trà My ( ĐH Quốc gia Hà Nội) cùng các bạn đã góp vốn lại để mua hoa bán cho các bạn trong trường sư phạm. Cô đã thức dậy từ rất sớm để đưa hoa từ làng hoa Tây Tựu lên cổng trường để bán.
Nhưng người bán thì nhiều mà người mua thì ít, số vốn 5 triệu đồng ban đầu cô bỏ ra cùng các bạn đến cuối ngày mà chưa thu lại được một nửa số vốn. Lo lắng vì số tiền không ít cô đã phải “báo tháo” số hoa của mình cho các bạn nam sinh viên, một số bạn còn “nợ lại” vì không có đủ tiền. Năm đó, cô đã lỗ khoảng 2 triệu đồng vì kế hoạch buôn bán của mình.
T.N sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội do có ngoại hình khá nên đã được nhận vào làm PG cho một công ty danh tiếng.
Những chuyến đi công tác, tổ chức chương trình ở các tỉnh thành cứ cuốn T.N vào “vòng xoáy” bỏ học liên tục, thậm chí bỏ thi. Và khi các bạn bước chân ra khỏi giảng đường ĐH thì T.N đã chính thức bị đuổi học vì nợ quá nhiều môn…
Vẫn biết, làm thêm luôn là cơ hội cho nhiều bạn sinh viên trải nghiệm cuộc sống, hiểu biết hơn về xã hội và có thêm những cơ hội giao lưu, trao dồi năng lực bản thân. Nhưng bài toán cân bằng thời gian làm thêm – học tập phù hợp sao cho đạt hiệu quả tốt nhất luôn là một bài toán khó.
Do đó, một lời khuyên cho các bạn sinh viên có dự định tìm việc làm thêm trong thời gian ngồi trên ghế giảng đường ĐH là phải tự đặt ra kế hoạch cho mình khi quyết định đi làm thêm để công việc này thực sự phát huy hiệu quả, làm cho cuộc sống của sinh viên thêm sắc màu tươi tắn.
Theo Một thế giới
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét