Có thể bạn quan tâm
- Hà Lan phẫn nộ vì thi thể nạn nhân MH17 bị ngược đãi
- Tình báo Mỹ: MH17 bị phe ly khai bắn nhầm vì lỗi radar
- Hành khách MH17 "chết ngay lập tức" khi tên lửa đánh trúng máy bay
(Tinmoi.vn) Không chỉ giới quan chức liên tục lên tiếng quy trách nhiệm cho nhau trong vụ bắn rơi máy bay MH17 khiến 298 người thiệt mạng ở miền Đông Ukraine, giới truyền thông hai nước Nga - Ukraine cũng đang có một cuộc hỗn chiến phân định ai là thủ phạm đích thực sau thảm kịch khiến cả thế giới phẫn nộ này.
Hôm qua (19/7), hàng loạt cơ quan truyền thông lớn của Nga như Russia Today (RT), RIA, Itar-Tass... đồng loạt đăng “bản chất vấn” gồm mười câu hỏi của Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov (gửi cho giới chức Ukraine) về trách nhiệm và nghi vấn liên quan đến phía Ukraine trong vụ máy bay rơi.
Bản câu hỏi này phần lớn xoay quanh những chi tiết đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin hai ngày nay, đồng thời “nhắc khéo” Ukraine về vụ một quả tên lửa của nước này từng bắn trúng một máy bay của Siberia Airlines năm 2001 khiến 78 người chết như: Ngay sau thảm họa, giới chức Ukraine đã cáo buộc lực lượng ly khai ở miền đông là thủ phạm. Họ dựa vào đâu mà đưa ra các cáo buộc này?; Liệu Kiev có thể giải thích rõ về việc họ sử dụng các máy phóng tên lửa trong vùng chiến sự để làm gì hay không? Và tại sao các hệ thống này tại được triển khai ở miền Đông khi lực lượng ly khai không có bất cứ máy bay nào?; Liệu các lực lượng vũ trang Ukraine có sẵn sàng cho phép các nhân viên điều tra quốc tế kiểm kê các tên lửa đất đối không và không đối không, trong đó bao gồm các tên lửa được sử dụng trong các bệ phóng SAM mà họ sở hữu hay không?; Giới chức Kiev đáp trả như thế nào về các thông tin trên mạng xã hội, được cho là của một nhân viên kiểm soát không lưu Tây Ban Nha đang công tác tại Ukraine, tiết lộ chi tiết, có 2 máy bay quân sự Ukraine bay đã bay song song với MH17 bên trên lãnh thổ Ukraine?...
Truyền thông hai nước Nga - Ukraine đang diễn ra một cuộc hỗn chiến quy trách nhiệm về thảm kịch MH17
Một ngày trước, hai kênh truyền hình nhà nước Chanel One và Russia 24 thậm chí đưa ra một số kịch bản về nguyên nhân máy bay rơi, trong đó có giả thiết “đây là một âm mưu thất bại nhằm vào chuyên cơ của Tổng thống Nga Vladimir Putin”. Chanel One lập luận: ngày 17-7, ông Putin đang trên đường trở về Matxcơva sau chuyến công du Mỹ Latin và chuyên cơ của ông cũng bay ngang Đông Âu gần cùng thời điểm.
Về đoạn băng bị rò rỉ liên quan đến cuộc hội thoại của quân ly khai thân Nga, kênh RT của Nga đã đặt câu hỏi về tính xác thực của nó: “Truyền thông phương Tây đã vơ lấy thông tin này bất chấp việc chưa thể kiểm chứng tính xác thực của cuộc hội thoại bị rò rỉ”.
Cũng theo RT, một số kênh truyền thông đã lên tiếng cáo buộc chính quyền Kiev ngụy tạo bằng chứng, trong đó cuộc hội thoại giữa nhân vật Bes và Geranin có thể đang nói về chiếc Su-25 của Ukraine bị quân ly khai bắn hạ vào ngày 16-6. Đó là chưa kể một “thành viên quân ly khai” không rõ danh tính đề cập đến biểu trưng của Malaysia trên xác máy bay đã bị tan tành.
RT khẳng định đã liên lạc với Evgeny Kruzhin, một lính cứu thương trong lực lượng ly khai thân Nga. Người này nói các binh sĩ tên Major và Grek trong đoạn băng là có thật nhưng khi MH17 bị bắn, họ đang ở Enakievo, cách địa điểm xảy ra thảm họa tới 25km!
Như để làm đậm đà thêm cho cuộc chiến thông tin, hôm 18-7, một ngày sau thảm kịch MH17, nhà báo Anh Sara Firth, làm việc cho Đài RT trụ sở tại London, đã nộp đơn xin nghỉ việc nhằm phản đối chính sách đưa thông tin mà cô miêu tả là “dối trá”. “Tôi đã nộp đơn nghỉ việc tại RT hôm nay. Tôi dành nhiều tôn trọng cho các đồng nghiệp trong nhóm, nhưng tôi muốn sống vì sự thật” - nhà báo Sara viết trên tài khoản Twitter của mình.
Phía Ukraine cũng "không ngồi yên" trước những lập luận mà truyền thông Nga đưa ra.
Bình luận về giả thiết “nhằm vào chuyên cơ tổng thống”, Hãng tin UNIAN của Ukraine đặt câu hỏi: “Chúng tôi đâu muốn tự tử bằng cách đi tuyên chiến với Nga?”.
UNIAN dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết họ không mất bất cứ đơn vị tên lửa phòng không Buk nào vào tay phiến quân, nên nếu phe này có thứ vũ khí hiện đại đó thì do Nga đã tuồn chúng sang biên giới.
Phía Ukraine tiếp tục bảo vệ giả thiết phiến quân thân Nga đã bắn hạ máy bay MH17 vì lầm tưởng đó là máy bay vận tải quân sự AN-26 của quân đội Ukraine. Mặt khác, báo giới nước này cũng chỉ trích “những bằng chứng giả tạo của truyền thông Nga”, trong đó có vụ Đài RT dẫn chứng lời (đăng trên Twitter) của nhân viên kiểm soát không lưu “Carlos” cho biết thấy hai máy bay tiêm kích Ukraine bay kè MH17 vài phút trước khi nó rơi hay việc “một số nhân chứng phân biệt được máy bay Malaysia và tiêm kích Ukraine bằng mắt thường ở độ cao 10km”!
Yên Yên (Tổng hợp)
Nguồn : Tin Mới / Nguoiduatin.vn
Video có thể bạn quan tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét