Thiên hạ dòm ngó ồn ào rồi đi, để lại gia đình anh, bên cạnh niềm vui được gặp lại bố và anh ruột sau gần 40 năm xa cách, là thêm một gánh nặng lo toan.
Ông Thanh vẫn dáng ngồi bó gối như tôi đã gặp lần trước ở Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Quảng Ngãi. Lần này thì ở BV huyện. “Ông sốt liên tục từ ngày trở về, xuống BV huyện nằm hai lần rồi, mỗi lần gần 10 ngày. Cứ đêm là sốt cao”. Chị Hồ Thị Nhung, con dâu ông, kể. “Có làm ăn chi được đâu, em ở dưới này trông bố, anh Tri chồng em thì ở nhà lo nấu ăn, đến bữa mang cơm lên. Không biết rồi sẽ ra sao…”.
Đã gần ba tháng trở về từ rừng, cái gọi là “nhanh chóng hòa nhập” mà báo chí gán cho cha con ông, nay đang trở thành nỗi ám ảnh cho gia đình anh Tri. Thiên hạ dòm ngó ồn ào rồi đi, để lại gia đình anh, bên cạnh niềm vui được gặp lại bố và anh ruột sau gần 40 năm xa cách, là thêm một gánh nặng lo toan. Trên nền đất nhà anh Tri, các doanh nghiệp hảo tâm đã giúp xi măng, gạch ngói để dựng nhà mới cho ông Thanh và anh Hồ Văn Lang. “Sao không dựng nơi khác mà phải lấy đất nhà anh?”. “Nơi khác là vùng tái định cư, không được đâu, phải ở gần để tôi còn lo chứ” - anh Tri nói.
Anh Hồ Văn Lang trước nhà mới đang xây.
Ông Thanh vẫn im lặng, suốt ngày không nói gì. “Trừ khi muốn ăn thuốc, ăn trầu thôi, còn thì không nói chi hết” - chị Nhung kể - “Mấy lần trước ông còn muốn bỏ về rừng, nhưng lần này thì không, mà có cho đi ông cũng không đi được vì không nhớ đường. Có lần ông nắm tay anh Lang bắt dẫn đi, anh không chịu, vì anh chỉ muốn ở lại đây thôi”. Căn nhà mới đang hoàn thiện, cánh thợ tất bật vì mưa vùng cao dai dẳng.
Năm người trong gia đình anh Tri, cùng ông Thanh và anh Lang tá túc trong cái chòi khoảng 5m2 dựng tạm chờ nhà mới. “Từ ngày trở về đến giờ, họ sống bằng gì?”. “Bằng tiền hỗ trợ, nhưng hết từ lâu rồi”, anh Tri nói, “Số tiền mặt mà tôi cầm được là 27 triệu đồng, dùng mua gạo, trả tiền đi làm rẫy vì phải ở nhà lo cho bố và anh, bỏ rẫy không ai chăm sóc, rồi tiền thuê người dỡ nhà, đào móng, hết sạch rồi. Tôi đã phải mua nợ 900.000đ tiền gạo rồi đấy”.
“Tiền đâu làm nhà?”. “Nghe nói làm nhà hết hơn 100 triệu, doanh nghiệp cho, tôi không biết”. “Sổ tiết kiệm đâu?”. “Nghe nói xã giữ. Tôi xuống xã hỏi nếu có thì đưa tôi vài trăm ngàn mua thức ăn, mua thuốc, nhưng xã không đưa”. “Vậy lấy gì mà ăn?”. “Nửa tháng đầu khi mới về, ăn uống đàng hoàng, có thịt cá, nhưng nay thì chỉ còn cơm và rau thôi”. “Đất sản xuất xã có cấp không?”. “Không có”.
Chị Hồ Thị Nhung tại bệnh viện với ông Thanh.
Xã đã làm thẻ khám chữa bệnh cho hai cha con, còn chế độ bệnh binh, sổ người nghèo, thì đang làm thủ tục. “Nhiều đoàn khách khắp nơi về thăm, trong đó có một đoàn Nhật Bản, họ hứa rồi sẽ giúp đỡ”, chị Hồ Thị Ân, Phó chủ tịch xã Trà Phong, huyện Tây Trà nói. “Anh Lang như trẻ con ấy, chị Nhung vợ anh Tri kể anh suốt ngày ngồi im, chỉ biết đi lấy nước về uống, rồi ăn, ngủ. Cha con ông Thanh đã thành gánh nặng cho vợ chồng anh Tri thật rồi”.
Cũng theo chị Ân, số tiền tiết kiệm có lúc được hô lên là hơn 100 triệu, thực chất là mới nói ở tỉnh ở huyện chứ chưa chuyển về xã. Vì thế, sổ tiết kiệm chưa có, lấy gì mà đưa cho gia đình anh Tri.
Cộng đồng đã quyết tâm đưa cha con họ trở về thụ hưởng những giá trị văn minh, đã làm nhà, khám bệnh cho họ, sẻ chia cùng họ; giờ thì chính họ phải sống, phải lao động, phải hòa nhập với cộng đồng. Nhưng việc này xem ra là bài toán nan giải.
Nên đọc
(Theo Phunuonline)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét