- Cải cách giáo dục cần bắt đầu từ đâu?
- Cần thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về cải cách giáo dục
- Để cải cách giáo dục không 'cười ra nước mắt'
(Tinmoi.vn) Lạc quan trước đề án đổi mới giáo dục lần này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận coi đó như “trận đánh lớn”, từ tướng đến lính đều quyết tâm, tin vào chiến thắng và sẵn sàng trả giá. Nhưng vẫn còn rất nhiều người hoài nghi về “chiến thắng” của “trận đánh” lần này.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận
Trước những hạn chế của ngành giáo dục, nhiều cải cách được thực hiện nhưng chưa thu được kết quả như ý muốn, Bộ Giáo dục đã trình đề án Đổi mới giáo dục trong đó xác định khâu đào tạo giáo viên là điểm bắt đầu để đổi mới. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng giáo viên là “máy cái” để tạo ra các sản phẩm. Người thầy chính là trung tâm của quá trình dạy học, điều này khiến cho học sinh bị động trong tiếp nhận kiến thức, thiếu các kỹ năng thực hành. Tới đây, Bộ GD sẽ tiến hành đổi mới căn bản điều này. Bên cạnh đó, sách giáo khoa, chương trình học cũng sẽ được đổi mới theo hướng tinh giản, gọn nhẹ, gắn với thực tiễn nhiều hơn.
Nhiều ý kiến nói nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp nhưng Bộ GD lại đưa ra kiến nghị bỏ kỳ thi đại học. Sẽ không tổ chức thi đại học mà dựa vào kết quả công nhận tốt nghiệp THPT để kiểm tra, xét tuyển hoặc thi thêm một vài môn cho phù hợp với mỗi ngành, mỗi trường. Người đứng đầu Bộ cũng khẳng định việc cải cách thi cử cần bàn thêm nhưng cách thi thì chắc chắn sẽ có thay đổi vì hiện tại có quá nhiều bất cập.
Nêu quan điểm về đề án cải cách giáo dục lần này, PGS.Văn Như Cương có cái nhìn không mấy lạc quan. Đồng ý với việc đề án chọn khâu đào tạo đội ngũ giáo viên là khâu cần đổi mới đầu tiên. Tuy nhiên, trong nhiều lần cải cách sách giáo khoa, vai trò của các trường đạo tạo giáo viên hầu như đứng ngoài cuộc. Sách phổ thông thì thay đổi còn chương trình sư phạm vẫn giữ nguyên, đó là điều vô lý lớn.
Bộ trưởng Luận có nêu phương pháp giáo dục trong thời gian tới không chỉ chú trọng dạy chữ mà còn dạy người. PGS.Cương cũng đồng ý với điều đó. Không chỉ giảm tải lượng kiến thức, thời gian học phổ thông mà cần tăng cường dạy các em làm người. Dạy đạo đức không phải dạy về tình yêu thương gia đình, quê hương đất nước mà phải dạy để học sinh biết được thiện ác, đúng sai, cách sống, cách ứng xử giữa người với người.
GS.Nguyễn Lân Dũng (Ảnh: VOV)
Trước đó, GS.Nguyễn Lân Dũng cũng từng nêu quan điểm về việc bỏ thi tốt nghiệp THPT trong cải cách giáo dục. Việc học sinh phải thi 2 kỳ thi lớn quá gần nhau đã gây vất vả và lãng phí cho cả thí sinh lẫn người nhà. Nếu bỏ thì bỏ kỳ thi tốt nghiệp chứ không thể bỏ thi đại học bởi đây là kỳ thi mang tính cạnh tranh, sàng lọc học sinh cao, đáp ứng được yêu cầu của từng trường.
Nhiều nhà giáo cũng ủng hộ ý kiến bỏ kỳ thi tốt nghiệp vì không thu được kết quả mà lại còn gây lãng phí. Cô Ngô Thị Lan Anh, giáo viên bộ môn Văn trường THPT Trần Phú, HN cho biết cô hoài nghi về tính trung thực của kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm. Việc bỏ kỳ thi này là cần thiết, vừa giúp tiết kiệm ngân sách cho nhà nước, vừa đảm bảo được sự công bằng trong việc đánh giá chất lượng dạy và học.
Nên đọc
Cô Lại Kim Anh, giáo viên Địa lý trường THPT Việt Đức, HN cũng không đồng tình với kỳ thi tốt nghiệp THPT 6 môn như hiện tại. Nếu đã thi tốt nghiệp thì nên thi tất cả các môn đã được giảng dạy trong chương trình thì mới đánh giá được đúng năng lực học sinh. Bằng không thì nên bỏ kỳ thi này, tập trung giám sát chất lượng học tập 3 năm THPT của học sinh.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc bỏ thi sẽ kéo theo tiêu cực. Ông Phạm Đức Doanh, hiệu trưởng trường THPT Trần Phú, HN cho rằng nếu bỏ thi tốt nghiệp thì dễ tái diễn tình trạng chạy điểm, xin điểm từ khi còn học phổ thông. Vì vậy, ông Doanh cho rằng vẫn nên giữ lại kỳ thi tốt nghiệp THPT, đổi mới cách tổ chức và chấm thi để hạn chế tiêu cực, gian lận.
Việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng kéo theo việc học sinh sẽ học lệch, chỉ tập trung vào những môn thi ĐH, CĐ dẫn tới kiến thức không được toàn diện. Việc này càng khó hơn với hệ Giáo dục thường xuyên trong việc đánh giá học sinh.
Trước đề án đổi mới của Bộ GD, nhiều học sinh cũng đưa ra những ý kiến riêng của mình. Đa số cho rằng không nên bỏ thi ĐH. Đây là kỳ thi có tính phân loại học sinh cao, đánh giá được sự phấn đấu của các em trong 12 năm phổ thông, nếu bỏ ắt kéo theo nhiều tiêu cực. Các bậc phụ huynh cũng rất lo lắng về đề án mới này. Chị Nguyễn Thị Ngọc (Ba Đình, Hà Nội) cho rằng: “Nếu bỏ thi tốt nghiệp, đánh giá học sinh dựa trên kết quả học tập sẽ khiến các cháu coi trọng điểm số, thành tích dẫn đến tiêu cực trong thi cử. Rồi nhiều gia đình có điều kiện sẽ chạy điểm cho con ngay từ khi học phổ thông để con họ có học bạ đẹp. Như vậy thì công bằng ở đâu ra”.
Bảo Linh (TH)
Tinmoi/Nguoiduatin
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét